'Cần bỏ cơ chế bao cấp trong thu gom, xử lý rác ở Thủ đô'

Theo các chuyên gia, để giải quyết triệt để vấn đề rác sinh hoạt ở Hà Nội, cần bỏ cơ chế bao cấp trong thu gom, xử lý rác.

 

Công nghệ xử lý rác đang áp dụng ở Hà Nội chủ yếu là chôn lấp, lạc hậu

Như VOV.VN đã thông tin, tối 23/10, một lần nữa người dân hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ lại dựng lều, trực canh, ngăn xe vận chuyển rác vào khu xử lý rác Nam Sơn (Sóc Sơn, Hà Nội). Đến tối 26/10, sau những nỗ lực từ các bên, lều canh đã được tháo dỡ cho các xe rác vào khu xử lý rác Nam Sơn.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới việc làm này là công tác đền bù giải phóng mặt bằng quá chậm trễ, các vướng mắc vẫn chưa được tháo gỡ và đặc biệt mức độ ô nhiễm môi trường tại bãi rác này những ngày gần đây lại tăng cao. Đây là lần thứ 2 trong năm 2020 và lần thứ 15 trong những năm qua người dân chặn xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn khiến nội thành Hà Nội ngập rác.

Liên quan đến vấn đề này, chia sẻ với VOV.VN, chuyên gia về môi trường, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết, chất lượng môi trường (nước và không khí) xung quanh bãi Nam Sơn (huyện Sóc Sơn TP Hà Nội) hiện nay đang ô nhiễm rất nặng. Nước rò rỉ ra từ bãi rác ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm, nước mặt xung quanh, chất lượng không khí,… gây ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của người dân.

Người dân xã Nam Sơn chặn xe chở rác vào khu xử lý Nam Sơn.“Mùi hôi thối, không khí ô nhiễm, ruồi muỗi,… ảnh hưởng rất lớn đến người dân. Chính quyền hứa đền bù để di dời dân ra khỏi bán kính 500m tính từ tường rào khu xử lý chất thải. Tuy nhiên vẫn đang vướng mắc ở vấn đề đền bù để dân đến nơi ở mới. Vướng mắc này kéo dài gây ra những bức xúc. Tôi cho rằng, với những chậm trễ, ô nhiễm nặng đó, cực chẳng đã người dân mới bỏ công bỏ việc ra vạ vật ở đường để chặn xe rác như vậy”, ông Tùng chia sẻ.

Theo TS. Hoàng Dương Tùng, hiện nay, công nghệ mà bãi rác Nam Sơn đang áp dụng chủ yếu là chôn lấp, lạc hậu do nhà máy xử lý bằng công nghệ đốt chưa xây xong. Đây cũng là một phần trong bức tranh chung khi hơn 90% rác thải sinh hoạt ở Việt Nam được chôn lấp, chưa có hệ thống phân loại chuẩn.

TS. Hoàng Dương Tùng cho biết: “Hiện nay các nước trên thế giới ngày càng hạn chế sử dụng việc chôn lấp rác (trừ những thứ không thể xử lý và tận dụng được) thay vào đó là phân loại rác tại nguồn, áp dụng những công nghệ mới hiện đại, thân thiện với môi trường,… phổ biến hiện nay là các nhà máy đốt rác thu hồi năng lượng nhưng không gây ô nhiễm môi trường, khí thải được xử lý một cách bắt buộc.

Theo GS.TS Đặng Kim Chi - Nhân tài đất Việt về lĩnh vực môi trường, bãi rác Nam Sơn (khu xử lý rác Nam Sơn) có từ hơn 20 năm nay, lúc đầu chủ yếu là chôn lấp thông thường, chưa thực sự hợp vệ sinh. Thời gian gần đây đã xây dựng hợp vệ sinh hơn khi có lớp vải che địa nhiệt ở dưới lót, có thu nước rác và có thu khí,... Tuy nhiên giai đoạn gần đây, bãi rác này gần như đầy, khâu vận chuyển, khâu xử lý mùi, các khu tập hợp rác vẫn còn gây ra những vấn đề ô nhiễm, bốc mùi xú uế, mất cảnh quan môi trường,… khiến người dân xung quanh không thể nào chịu nổi, phản ứng là có lý do của họ.

Công nghệ nào giải quyết triệt để vấn đề rác sinh hoạt ở Hà Nội

GS.TS Đặng Kim Chi thông tin, Hà Nội đã lường trước việc nếu chỉ áp dụng công nghệ chôn lấp rác thì sẽ đến một lúc không còn đất để chôn lấp nữa. Từ đó, Hà Nội đã tính đến việc phải đầu tư các công nghệ để làm sao giảm thiểu thể tích rác cần phải chôn lấp dẫn tới hạn chế diện tích đất dùng cho chôn lấp đã được thực hiện.

“Những năm gần đây TP Hà Nội đã tiến hành nhiều dự án để xử lý rác bằng những biện pháp khác như đốt rác bình thường, tiến tới đốt rác thu hồi năng lượng (phát điện). Hiện nay đã có 4 dự án liên quan đến xử lý rác ở Hà Nội, trong đó có nhà máy xử lý bằng hệ thống đốt rác lấy năng lượng ở Nam Sơn là lớn nhất với công suất khoảng 4.000 tấn rác mỗi ngày/đêm theo công nghệ của Bỉ, đầu tư, thiết bị của Trung Quốc. Theo kế hoạch dự án này phải xong vào cuối năm 2020 nhưng do nhiều yếu tố nên tiến độ đã lui lại. Nếu nhà máy xử lý rác này đi vào hoạt động sẽ sản xuất ra một lượng điện đáng kể và giảm khối lượng lớn rác thải ra mang đi chôn lấp”, GS.TS Đặng Kim Chi cho biết.

Đến tối 26/10, sau những nỗ lực từ các bên, lều canh đã được tháo dỡ cho các xe rác vào khu xử lý rác Nam Sơn.GS.TS Đặng Kim Chi khẳng định: “Hà Nội có dân số đông và rác thải phát sinh ra rất lớn, đặc tính rác thải của Hà Nội là rác thải đô thị, càng ngày đời sống càng cao khiến thành phần rác cũng thay đổi. Từ đó, nhiệt trị thu được từ rác sẽ tăng theo sự phát triển của kinh tế - xã hội. Với những đặc thù như vậy, càng ngày càng khó tìm diện tích để chôn lấp rác. Xu hướng là phải tìm công nghệ xử lý rác sao cho thể tích cuối cùng của rác ở mức nhỏ nhất, do đó công nghệ đốt rác lấy năng lượng được xem là phù hợp với xu thế phát triển của Hà Nội hiện nay”.

Trong khi đó, TS. Hoàng Dương Tùng cho rằng: “Mấu chốt vấn đề là phải phân loại rác tại nguồn, qua đó vừa giảm thiểu rác thải lại có thể tái chế được. Nhiều nơi ở nước ta hô hào phát triển kinh tế tuần hoàn, nhưng chưa phân loại được rác, công tác thực hiện còn rất yếu. Các công nghệ đốt rác thu lại năng lượng ở thời điểm này là phù hợp, tuy nhiên phải có yêu cầu bắt buộc là xử lý được khí thải, có hệ thống quan trắc khí thải để kiểm soát. Nếu không làm được coi như sử dụng công nghệ mới vừa tốn tiền mà mức ô nhiễm lại như nhau. Hiện nay, đang có nhiều công nghệ khác nhau trên thị trường để xử lý rác, nhưng phải lựa chọn công nghệ nào cho phù hợp, cần phải được kiểm chứng và yếu tố tiên quyết là phải bảo vệ môi trường. Khi áp dụng, doanh nghiệp cung cấp phải cam kết chất lượng và những yêu cầu trên. Kiểm soát mạnh mẽ những hoạt động này. Nhà nước cần đưa ra các yêu cầu khắt khe, cần thanh tra, kiểm tra thường xuyên, nếu phát hiện cần có biện pháp xử lý kịp thời”.

Cần bỏ cơ chế bao cấp trong thu gom, xử lý rác

Cũng theo TS. Hoàng Dương Tùng: “Phần lớn công tác xử lý rác thải ở Hà Nội hiện nay do nhà nước bao cấp hay theo hợp đồng với nhà nước tính theo tấn rác ăn tiền. Đã có thời người ta còn lén phun nước vào xe rác để cân rác cho nặng hơn. Nhận tiền xong thì trách nhiệm xử lý giảm đi,… không hiệu quả. Hạn chế đó một phần do có sự bao cấp của nhà nước”.

“Người dân phải có trách nhiệm hơn như tăng đóng góp chi phí xử lý rác. Ví dụ đóng tiền tăng lên 50.000 – 60.000 đồng một tháng, mức này phù hợp với mức sống của người dân Thủ đô. Từ đó, giúp giảm lượng rác thải ra, ý thức hơn trong việc phân loại,… qua đó giúp giảm khối lượng rác thải phải chôn lấp, tiền đó bù vào quá trình vận chuyển và xử lý. Cần giảm dần bao cấp của nhà nước, công khai minh bạch trong công nghệ, những nguồn thu chi trong vận chuyển, xử lý rác. Người dân có quyền yêu cầu công khai minh mạch, nhất là trong việc lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ, từ đó có thể được yêu cầu chất lượng tốt hơn", TS. Hoàng Dương Tùng đề xuất.

“Nhiều người hay nói trong rác là tiền. Việc cứ để nhà nước bao cấp sẽ dễ nảy sinh cơ chế xin - cho. Chuyện không công khai minh bạch, để cho người dân đóng góp quá ít, không theo nguyên tắc người gây ô nhiễm nhiều phải trả tiền nhiều,... khiến người dân vô tư xả rác, không quan tâm đến việc phân loại rác tại nguồn cho đơn vị xử lý. Nếu chọn nhà máy đốt rác mới, tiền đầu tư ở đâu? Có làm đúng như cam kết hay không thì lại quay về vấn đề cơ chế quản lý có công khai minh bạch, giám sát kỹ lưỡng hay không?”, TS. Tùng nhấn mạnh./.

Văn Ngân/VOV.VN

 

Bình luận

    Chưa có bình luận