Dù lượn nâng cánh du lịch Mù Cang Chải

Mù Cang Chải được biết đến bởi những triền ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ. Từ khi tổ chức các Festival dù lượn, Mù Cang Chải trở thành điểm đến của du khách.

 

Đưa dù lượn lên đỉnh đèo mây trắng

Điểm bay Khau Phạ (bản Lìm Mông, xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải) nằm lưng chừng đèo Khau Phạ - một trong tứ đại đỉnh đèo của Việt Nam, ở độ cao hơn 1.200 mét so với mực nước biển. Đây là một trong những điểm bay được đánh giá là đẹp nhất Việt Nam cũng như trên thế giới với phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ, được đầu tư nhiều hạng mục công trình như: điểm cất cánh và hạ cánh, khu vực đỗ xe, các khu vực để du khách ngắm cảnh...

Các phi công dù náo nức trở về Mù Cang Chải mỗi mùa Festival.

Sự kiện “Bay trên mùa vàng” lần đầu tiên được huyện Mù Cang Chải phối hợp với Câu lạc bộ Vietwings Hà Nội tổ chức tại điểm bay Khau Phạ năm 2013 với sự tham gia của hơn 30 phi công dù lượn. Qua 6 năm tổ chức, đến nay, số phi công tham gia sự kiện mỗi năm trên dưới 200 người, trong đó có nhiều phi công nước ngoài.

Nhận thức được giá trị của sự kiện đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, di sản, từ đó phát triển du lịch bền vững, bắt đầu từ năm 2017, huyện Mù Cang Chải đã tổ chức thêm sự kiện “Bay trên mùa nước đổ” vào tháng 5.

Bay trên mùa nước đổ.

Từ chỗ chỉ bay trình diễn, các Festival đã tổ chức bay cho du khách có nhu cầu. Các màn bay hóa trang, bay đôi cũng liên tục được tổ chức đã tạo nên một không khí lễ hội thực sự giữa núi rừng bao la.

Anh Trương Vĩnh Phúc, thành viên đội dù lượn Đà Nẵng, đã tham gia nhiều Festival dù lượn cho biết: “Tâm lý được bay trên bầu trời và tự làm chủ được bản thân mình đã là rất thích, càng thêm đam mê hơn khi đến điểm bay Khau Phạ vì điểm bay này quá đẹp, không thể nào tả hết được”.

Bay giữa trời xanh mây trắng bồng bềnh.

Những thời khắc đẹp nhất ở Mù Cang Chải

Toàn huyện Mù Cang Chải có gần 2.200ha ruộng bậc thang, trong đó tập trung nhiều nhất tại các xã La Pán Tẩn, Chế Cu Nha, Dế Xu Phình. Ba xã này có hơn 500ha ruộng bậc thang được giữ gìn gần như nguyên sơ, được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng Danh thắng cấp quốc gia năm 2007.

Tháng 5, khi Festival “Bay trên mùa nước đổ” khai mạc, chính là thời điểm bà con người Mông ở Mù Cang Chải bắt đầu một vụ sản xuất mới. Vào thời điểm này, những thửa ruộng bậc thang loang loáng nước, uốn căng mình trong màu nâu của đất hòa với sắc xanh của núi rừng, sắc trắng của những biển mây bồng bềnh. Bất kể từ góc nhìn nào, ruộng bậc thang cũng như những chiếc gương khổng lồ, phản chiếu bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ, lấp lánh, vô cùng quyến rũ, gọi mời.

Một phi công chuẩn bị cất cánh

Vào tháng 9, khi Festival “Bay trên mùa vàng” diễn ra, là thời điểm đẹp nhất ở Mù Cang Chải. Giữa trời xanh, mây trắng, nắng trong, những triền ruộng bậc thang trải dài bốn bề, như một dòng sông vàng chảy bất tận xuống chân núi. Phía xa xa, là trùng trùng điệp điệp đồi núi bao quanh những “mâm xôi vàng” nức hương lúa.

Chị Nguyễn Minh Hòa, du khách đến từ Vĩnh Phúc cho biết, chị đến Mù Cang Chải đều đặn mỗi năm. Tham quan, khám phá nhiều lần nhưng chưa bao giờ chị thấy đủ. “Mỗi mùa nước đổ, mỗi mùa vàng bội thu, tôi như lại tìm thấy một bức tranh mới” - chị Hòa bày tỏ.

Thêm những điểm bay mới

Mới đây, để mở rộng các hoạt động dù lượn, huyện Mù Cang Chải và tỉnh Yên Bái đã nhất trí cho Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc, Quân chủng phòng không - Không quân khảo sát, thực hiện thêm 2 điểm bay dù lượn mới tại đỉnh đèo Khau Phạ (xã Cao Phạ) và khu vực đồi Mâm xôi (bản Tà Chí Lừ, xã La Pán Tẩn), thuộc huyện Mù Cang Chải.

Được biết, đỉnh đèo Khau Phạ có độ cao 1.504m, là điểm bay có hướng gió tốt, chênh cao hơn so với điểm bay cũ khoảng 300m nên thời gian bay sẽ được lâu hơn, du khách được ngắm cảnh dài hơn. Điểm bay ở xã La Pán Tẩn là khu vực đồi mâm xôi nổi tiếng, nếu bay từ trên cao, du khách sẽ được ngắm nhìn cảnh đẹp bao la, hùng vĩ của núi rừng và những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất Mù Cang Chải. Ngoài ra, khi các điểm bay mới đi vào hoạt động sẽ giảm tải tắc đường, phân tán điểm tập kết người cho điểm bay cũ; đồng thời tạo nên một chuỗi du lịch trên địa bàn huyện Mù Cang Chải.

Mùa nước đổ ở Mù Cang Chải.

Bên cạnh việc mở các điểm bay mới, theo bà Lương Thị Xuyến, Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, các hoạt động bay cũng được mở rộng. Ngoài thời gian của các Festival thì đều đặn vào thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần sẽ có các phi công bay trình diễn và phục vụ du khách. Từ đó đưa hoạt động dù lượn trở thành hoạt động thường xuyên, liên tục, trở thành thương hiệu của du lịch địa phương.

 

Nâng cánh gió cho du lịch vùng cao

Sau 6 năm tổ chức các Festival dù lượn, lượng du khách đến với sự kiện đã tăng từ hơn 1.000 người vào năm 2013 lên khoảng 15.000 trong mỗi năm gần đây.

Đó là con số ấn tượng, nói lên giá trị của bộ môn dù lượn với việc quảng bá, thu hút du khách đến với Danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang huyện Mù Cang Chải. Thông qua sự kiện, những thông điệp về di sản, bảo vệ di sản để phát triển văn hóa, du lịch bền vững cũng được tuyên truyền rộng rãi tới người dân và du khách trong, ngoài nước. 

Dự kiến, năm 2019 huyện Mù Cang Chải đón khoảng 152 nghìn du khách, trong đó có 37 nghìn du khách quốc tế, doanh thu ước đạt 84 tỷ đồng. Miền đất vùng cao vốn nghèo khó này đang có cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh, phục vụ phát triển du lịch bền vững. Nhiều hộ bà con dân tộc xưa nay vốn chỉ biết đến nương đồi, chăm chút cây lúa, cây ngô để thoát đói, thoát nghèo, nay đã biết làm du lịch cộng đồng, hướng tới làm giàu./.

Trải nghiệm ruộng bậc thang từ trên cao, giữa bốn bề mây trắng và ngút ngàn rừng xanh có một sức hấp dẫn, lôi cuốn khó cưỡng đối với không chỉ các phi công dù lượn mà còn với đông đảo du khách.

 

 

Bình luận

    Chưa có bình luận