Giải ngân vốn đầu tư công và góc nhìn kiểm toán

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/9/2023 là 363.310,571 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

 

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, ước giải ngân đầu tư công từ đầu năm đến ngày 30/9/2023 là 363.310,571 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giá trị tuyệt đối cao hơn cùng kỳ năm 2022 gần 110.000 tỷ đồng.

Nhận diện nhiều nút thắt

Giải ngân vốn đầu tư công mặc dù có kết quả tích cực nhưng chưa đạt được kỳ vọng do nhiều nguyên nhân. Ông Trần Quốc Phương - Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cho rằng: Giải ngân chậm trước hết là do một số vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công và pháp luật chuyên ngành điều chỉnh hoạt động đầu tư công. Một số cơ chế, chính sách, quy định pháp luật chậm ban hành, chậm được sửa đổi; còn tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo trong một số quy định pháp luật; phân cấp, phân quyền chưa triệt để. Đặc biệt, công tác đấu giá đất còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế, nhiều dự án đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất không có nguồn để triển khai.

Cũng theo ông Trần Quốc Phương, công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, chưa kịp thời, nên không giao được kế hoạch... "Đây là trách nhiệm của cả cơ quan tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và của các bộ, ngành, địa phương, rà soát không kỹ, nể nang giữ nguyên đề xuất của bộ, ngành, địa phương mà không tham mưu, kiến nghị điều chỉnh phù hợp" - Thứ trưởng Trần Quốc Phương phân tích.

Còn theo GS.TS. Đoàn Xuân Tiên - nguyên Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước - gốc vấn đề trước hết là đất đai, cụ thể là giá đất, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, vốn đầu tư, hạ tầng, môi trường, quy trình, thủ tục, thực thi pháp luật... "Thị trường đất đai hiện đang tồn tại cơ chế 2 giá đất, đó là giá đất theo khung Nhà nước ban hành và giá trên thị trường - thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá. Phương pháp định giá đất, đấu giá quyền sử dụng đất còn bất cập, chưa thực sự nhất quán, chính xác, tạo nên một số lỗ hổng; thời điểm xác định giá đất chưa phù hợp thực tế; tình trạng chênh lệch giá đất giáp ranh còn xẩy ra và chưa được xử lý triệt để. Vì vậy, nút thắt đầu tiên là giá đất, từ đó kéo theo những điểm nghẽn trong đầu tư công như giải phóng mặt bằng, chậm tiến độ, chậm giải ngân, hiệu quả kém..."

Sân bay Long Thành - một công trình đầu tư công được chờ đợi

Còn Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành IV nhận diện những nút thắt chủ yếu là: Chưa thực hiện hết số vốn được giao trong năm ngân sách; bố trí vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục hoặc kéo dài quá thời gian quy định; phân bổ vốn không đúng cơ cấu ngành được giao theo quy định. Chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại một số bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo, không xác định rõ nguồn vốn đầu tư, phải thay đổi quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện dự án. Tiến độ công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư tại hầu hết các dự án chưa đảm bảo theo kế hoạch làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án. Tình trạng thi công chậm tiến độ xảy ra tại hầu hết các gói thầu, dự án...

 

Gỡ điểm nghẽn cho hợp tác công tư PPP

Theo báo cáo của Công ty TNHH Kiểm toán Deloitte Việt Nam, nhu cầu tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm 2021 - 2025 củaViệt Nam vào khoảng 32 - 34% GDP. Tuy nhiên, tỷ trọng vốn đầu tư công bình quân 5 năm chỉ chiếm khoảng 16 - 17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội (khoảng 2,9 triệu tỷ đồng). Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể về hợp tác công - tư (PPP), đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng giao thông (chiếm 66%). Các dự án PPP mới đều là các dự án trọng điểm của quốc gia và địa phương. Tổng mức đầu tư khoảng 235.000 tỷ đồng, tương ứng với dự kiến huy động được gần 100.000 tỷ đồng vốn đầu tư tư nhân cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng.

Tuy nhiên, cơ chế tài chính chưa đủ cân bằng để đảm bảo tốt hơn quyền lợi của khu vực tư nhân khi tham gia hợp tác công - tư. Quy định về mức vốn nhà nước tham gia dự án PPP tối đa 50% và cơ chế chia sẻ doanh thu giảm là chưa phù hợp với các quy định về ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, cam kết của nhà nước về bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư cần phải được làm rõ và thực hiện một cách đáng tin cậy hơn trong thực tế. Thiếu một khuôn khổ để đánh giá và quản lý các nghĩa vụ dự phòng phát sinh từ cơ chế bảo đảm, bảo lãnh của Nhà nước cho các nghĩa vụ với khu vực tư nhân. Vấn đề nợ xấu trong các dự án BOT đặc biệt là BOT giao thông ở Việt Nam là một thách thức lớn cần được giải quyết.

Do đó, theo Deloitte Việt Nam, cần hoàn thiện chính sách liên quan tới cơ chế tài chính đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, cơ chế chia sẻ rủi ro linh hoạt, đạt được sự đồng thuận cao trong nhận thức và thực hiện của các đối tượng có liên quan (nhà đầu tư và cơ quan nhà nước khu vực công). Sớm ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp hướng dẫn việc áp dụng thông lệ quốc tế về kế toán báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp PPP (BOT). Xây dựng thị trường mua bán quyền khai thác các dự án PPP. Cần có sự nỗ lực trong giáo dục và truyền thông để tạo sự hiểu biết và ủng hộ từ cộng đồng xã hội đối với các dự án PPP và doanh nghiệp PPP. Chính phủ và doanh nghiệp nên có sự tư vấn chiến lược và đánh giá ảnh hưởng của các dự án PPP khi áp dụng các thông lệ quốc tế để có sự điều chỉnh kịp thời, nhất quán, và đồng bộ cho cả cơ chế tài chính, kế toán và cơ chế huy động vốn.

Đầu tư công là động lực tăng trưởng

Đa dạng giải pháp thúc đẩy giải ngân đầu tư công

Với nguyên tắc hoạt động “Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật” và “Trung thực, khách quan, công khai, minh bạch”, Kiểm toán Nhà nước có nhiệm vụ kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực các thông tin, báo cáo về tình hình quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên, trong hoạt động đầu tư công, việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai và đầu tư công. Từ đó Kiểm toán Nhà nước có vai trò rất quan trọng, là một thiết chế độc lập trong kiểm soát quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn lực quốc gia.

Thông qua hoạt động kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước cung cấp những thông tin, báo cáo hợp lý, đáng tin cậy, đảm bảo sự toàn vẹn của hệ thống tài chính, tài sản công; từ đó đảm bảo tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và quản lý, quản trị của các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quyền quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai, đầu tư công; thúc đẩy hệ thống quản lý, quản trị tài chính, tài sản quốc gia nói chung và hoạt động đầu tư công nói riêng; kịp thời phát hiện những hạn chế, bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất, thiếu đồng bộ, những kẽ hở, lỗ hổng của cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị các giải pháp để hoàn thiện.

Hàng năm Kiểm toán Nhà nước cần nghiên cứu, thu thập thông tin, dữ liệu về tình hình quản lý và sử dụng đất đai, đầu tư công toàn quốc và các địa phương; thực hiện việc phân tích, đánh giá rủi ro, trọng yếu, chủ động xây dựng, quyết định kế hoạch kiểm toán.

Cơ quan kiểm toán cũng đề xuất cần làm rõ trách nhiệm người đứng đầu trong việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, theo đó, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm cá nhân trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, chịu trách nhiệm toàn bộ đối với mọi sai phạm trong suốt quá trình thực hiện đầu tư; kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án; lấy kết quả giải ngân vốn đầu tư công làm tiêu chí đánh giá năng lực và trách nhiệm của người đứng đầu./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận