Kinh tế tư nhân sau 2 năm triển khai Nghị quyết Trung ương 5

  • 09/05/2019 09:28:55
  • Thu Thùy - Ngọc Diệu
  • Kinh tế
  • 0

Chia sẻ của nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, Chủ tịch Invest Consult Group, về sự vận động của kinh tế tư nhân trong giai đoạn mới.

 

Ông nhìn nhận ra sao về cách thức vận động của khối kinh tế tư nhân trong 3 năm qua từ khi văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 đã xác định vai trò kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế?

Có thể nhận thấy sự lãnh đạo của Đảng đối với nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng, tức là các nghị quyết của Đảng đã đi được vào đời sống. Tư nhân là một khối độc lập và chủ động, với sự mở cửa về mặt xã hội, về mặt chính trị, được Đảng xác lập địa vị rõ ràng trong đời sống kinh tế làm cho khối kinh tế tư nhân tự tin hơn, công khai hơn và tham gia vào các vận động xã hội một cách rõ rệt hơn. Ví dụ như hoạt động khởi nghiệp. Sự tích cực của kinh tế tư nhân làm cho nền kinh tế của chúng ta vững chắc hơn, có đủ năng lực để đối phó một cách tích cực hơn đối với các biến động quốc tế và biến động chính trị trong nước.

Chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt và va chạm thật sự với các biến động kinh tế thế giới, chính trị thế giới như giai đoạn hiện nay. Tôi rất mừng là khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam đã đến rất gần các điểm quan sát để họ có thể trông thấy các diễn biến quốc tế và có thể phán đoán hoặc tổ chức các hành động đối phó với tình thế.

 

Vậy theo ông, các chính sách hỗ trợ thúc đẩy tạo môi trường để cho những sáng kiến, những khát vọng kinh doanh nở rộ có chuyển biến gì tích cực so với 3 năm trước?

So với những năm trước thì các nghị quyết về kinh tế ngày càng đến gần sự đòi hỏi của cuộc sống hơn. Đấy là một biểu hiện tích cực. Tuy nhiên, để nói về sự tương thích 1-1 giữa mong muốn với diễn biến tự nhiên của cuộc sống thì còn xa mới đến (tương quan 1-1 là thuật ngữ toán học mô tả sự đồng bộ trong phát triển). Sự động viên xã hội, động viên  chính trị, động viên đạo đức, động viên chính sách chúng ta đang làm là tốt và cần thiết, nhưng cần thận trọng ở một số khía cạnh. Đó là đôi khi chúng ta nói hơi nhiều đến các yếu tố hiện đại, nhưng trong đó sẽ có yếu tố mà trình độ nhận thức của đại bộ phận doanh nhân Việt Nam là không đủ để hiểu, dẫn đến sự hiểu nhầm tính thực tế của các phát biểu có chất lượng lãnh đạo đối với đời sống kinh tế.

Ví dụ chúng ta nói quá nhiều đến cuộc cách mạng 4.0. Ngay cả việc chọn thuật ngữ để nói là không chính thống. Cách mạng 4.0 là một thuật ngữ không chính thống. Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 mới là thuật ngữ chính thống. Ví dụ, tạo ra sự nhầm lẫn giữa xúc tiến thương mại, quảng cáo với xúc tiến phát triển. Xúc tiến thương mại là những chính sách hẹp, quảng cáo hàng hóa là nhu cầu của các nhóm lợi ích, tập đoàn lợi ích.

Ông có thể phân tích rõ hơn những nguy cơ nếu kinh tế tư nhân không được định hướng phát triển đúng đắn?

Tất cả các nền kinh tế đều tiêu cực nếu nó không được định hướng, không được kiểm soát và tổ chức chặt chẽ. Chúng ta đã có kinh nghiệm đau đớn về sự thất bại của những khu vực kinh tế khác, đến giờ chúng ta cũng vẫn chưa giải quyết hết được hậu quả của việc không giám sát tốt sự phát triển của các khu vực kinh tế khác, khu vực kinh tế tư nhân cũng thế.

Sự xuất hiện đột ngột của những “con khủng long” trong kinh tế làm người ta nghi ngờ tính minh bạch của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta biết phát triển là kết quả của đầu tư tiền vốn, đầu tư lực lượng, đầu tư nhân sự, đầu tư sự chú ý khoa học cũng như chính trị, cho nên việc xuất hiện các yếu tố khổng lồ một cách nhanh chóng như vậy cho thấy đã có một sự lôi kéo với tốc độ lớn các nguồn lực của nền kinh tế vào một số khu vực bằng cách thức không khách quan, không khoa học và có thể là không minh bạch. Hiện tượng ấy phản ánh tính tiêu cực của tất cả các mặt trong đời sống phát triển, đặc biệt là tính minh bạch của sự phân bố các năng lượng xã hội cho các lực lượng.

Một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã để lại dấu ấn quan trọng trong sự phát triển của kinh tế Việt Nam song chưa đủ sức làm xoay chuyển tổng thể khu vực này. Để kinh tế tư nhân cất cánh, cần xây dựng chiến lược phát triển doanh nghiệp quốc gia, trong đó thừa nhận và bảo đảm bằng luật sự bình đẳng của các khu vực, các nền kinh tế.

Theo ông, để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực của nền kinh tế trong giai đoạn tới, đóng góp mạnh mẽ vào quá trình phát triển bền vững thì cần chú ý những vấn đề gì?

Tôi nghĩ trước hết là phải khoa học. Sự đúng đắn khoa học thông qua sự chính xác trong phát biểu là quan trọng, không thể chối cãi. Nghe cái đúng thì rất nhiều cái sai sẽ sợ hãi. Sự sợ hãi của cái sai trước tính đúng đắn của sự lãnh đạo làm giảm bớt 50 - 60% năng lực sai trái mà xã hội có thể tạo ra thông qua việc không tuân thủ các chế độ, chính sách hướng dẫn.

Chúng ta đang kiểm điểm một loạt các dự án mà chúng ta đã sai như 12 dự án của Bộ Công Thương, đó là hệ quả, là di chứng của những quyết định không có tính đúng đắn khoa học chính xác, không có tính đúng đắn chính trị chính xác, không có tính minh bạch. Tất cả những cái đấy làm biến dạng bộ máy từ cao xuống thấp, từ thấp lên cao. Từ đó làm cho khối lượng công việc có chất lượng sửa chữa chính sách trở nên khổng lồ và đôi khi chúng ta không làm được.

Trong các thống kê về báo cáo năng suất vừa qua của VCCI và Viện Nghiên cứu chính sách đều nói là năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân thấp hơn rất nhiều so với khu vực kinh tế Nhà nước. Ông có nhận định gì về chuyện này?

Tôi nghĩ chúng ta đã sai một cách nghiêm trọng khi xử lý khu vực nhà nước. Lúc đầu chúng ta muốn xây dựng các tập đoàn nhà nước để nó trở thành những đòn bẩy phát triển. Lúc đó chúng ta sai trong khi tiến, còn bây giờ chúng ta lại sai cả trong khi lùi. Đúng ra chúng ta cần phải sửa chữa các khuyết tật của khu vực kinh tế nhà nước chứ không phải hạn chế nó. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng có một cuộc đấu tranh hoặc mâu thuẫn đối kháng giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước, đấy là sai lầm trong nhận thức về kinh tế. Tư nhân hay nhà nước đều là các bộ phận khác nhau của một nền kinh tế, vấn đề là làm sao để nó bình đẳng với nhau trong cạnh tranh. Hãy để kinh tế nhà nước đối mặt một cách bình đẳng với tư nhân, bắt nó phải cạnh tranh với tư nhân. Hãy giao cho các tập đoàn kinh tế nhà nước không chỉ nghĩa vụ làm kinh tế mà cả nghĩa vụ làm trung tâm tổ chức các khu vực kinh tế công nghiệp. Làm cho các tập đoàn kinh tế nhà nước trở thành hạt nhân lãnh đạo một ngành công nghiệp hoặc một hình thức nào đó trong các khu vực công nghiệp khác nhau có lẽ là một cách sửa sai khả thi đối với khu vực kinh tế nhà nước.

 

Trân trọng cảm ơn ông!

 

Bình luận

    Chưa có bình luận