Chương trình PTTT: 'Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long'.

Mới, 'nóng' và đẩy mạnh tương tác

 

Mùa hạn mặn 2019-2020 được xác định là mùa hạn mặn lịch sử nghiêm trọng nhất từ trước đến nay ở ĐBSCL. Đây là vấn đề thời sự nóng hổi, thu hút sự quan tâm của người dân cả nước,  là đề tài mà ê-kíp phóng viên Đài PT-TH Cần Thơ lựa chọn thực hiện trong chương trình phát thanh trực tiếp (PTTT) “Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long” tại Liên hoan Phát thanh toàn quốc 2020.

Nhóm tác giả Đài PT-TH Cần Thơ tác nghiệp điền dã chuẩn bị tự liệu cho chương trình “Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm ở ĐBSCL”.

Mới và “nóng”

Là 1 trong 62 đơn vị tham gia LHPT, Đài PT-TH TP. Cần Thơ từng khẳng định bản lĩnh, vị thế của một đài PT-TH địa phương với nhiều giải thưởng tại các kỳ liên hoan trước. Nói về tác phẩm tham dự LHPT lần thứ XIV, nhà báo Mạc Kỉnh Hào, Trưởng phòng phát thanh, Đài PT-TH Cần Thơ, cho biết: “Mùa hạn mặn 2019-2020 ở ĐBSCL vừa kết thúc, đây được xem là năm hạn mặn lịch sử, khốc liệt hơn cả năm 2016, nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Trong thời gian đỉnh điểm của hạn mặn (tháng 3, tháng 4) có khoảng 96.000 hộ dân trong vùng thiếu nước sinh hoạt. Trước tình hình này, một số địa phương cấp tốc khoan giếng ngầm, kéo đường ống về giải cứu cơn khát cho bà con. Việc khai thác nguồn nước ngầm được chính quyền nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh ven biển xem là cứu cánh để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô hạn, mặn. Tuy nhiên, trên thực tế đã có nhiều hộ dân khoan giếng tự phát, không chỉ lấy nước để sinh hoạt mà còn đề trồng màu, kinh doanh dịch vụ, nghiêm trọng hơn là nuôi trồng thuỷ sản... Đây là vấn đề thời sự nóng hổi, ảnh hưởng rộng lớn tới toàn diện các mặt đời sống xã hội của cả vùng ĐBSCL. Bởi vậy, đi tìm nguyên nhân của việc khai thác quá mức, tùy tiện nguồn nước ngầm; những hệ lụy khi khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên này; đâu là những giải pháp để bảo vệ nguồn nước ngầm ĐBSCL… là nội dung mà chương trình của Đài PT-TH Cần Thơ đề cập, mang đến LHPT”.

Nhóm tác giả của Đài PT-TH Cần Thơ đã phải chuẩn bị cho chương trình trong một thời gian dài, gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 diễn ra đúng vào thời gian hạn mặn đỉnh điểm tại ĐBSCL. Việc tác nghiệp, thu thập tư liệu điền dã, thực địa gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vì đây là vấn đề thời sự nóng hổi, lại là tác phẩm được lãnh đạo Đài lựa chọn, định hướng tham gia LHPT nên nhóm tác giả đã phải nỗ lực, dành nhiều công sức để có sự chuẩn bị tốt nhất cho tác phẩm.

Đợt hạn mặn kỷ lục đàu năm 2020 là vấn đề xã hội nóng hổi, được người dân cả nước quan tâm. Ảnh: Internet.

“Lựa chọn hình thức thể hiện là phát thanh trực tiếp nên các yếu tố trực tiếp, tương tác được chú trọng. Chương trình được thực hiện chính tại Đài Đồng Tháp (điểm cầu chính) và nối cầu âm thanh với 2 điểm cầu gồm: phòng thu của Đài PT-TH Cần Thơ (khách mời là PGS.TS Lê Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu ĐBSCL); điểm cầu thứ 2 là Phòng Quản lý Khoáng sản và Tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ (khách mời là ông Lương Hồng Tân, Trưởng phòng). Ngoài ra chương trình còn mở đường điện thoại nóng và livestream trên fanpage của Đài PT-TH Cần Thơ để nhận lượt tương tác trực tiếp với thính giả nghe đài, giải đáp các câu hỏi mà khán thính giả gửi về”, ông Mạc Kỉnh Hào cho biết.

Được biết, với thời lượng chỉ khoảng 30 phút, cùng với phần giao lưu khách mời, chương trình “Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long” sẽ tích hợp nhiều thể loại đặc trưng của báo nói, áp dụng nhiều công nghệ mới để đi sâu vào vấn đề và làm sinh động hơn với nội dung tương tác, như: tin tổng hợp, tin phát biểu, voxpop, phóng sự điền dã, phóng sự thực tế... Phần âm nhạc cũng được chú trọng, đặc biệt nhạc cắt được thay bằng những thông điệp về nước ngầm phù hợp với nội dung chương trình.

Tính tương tác cao

Ngày nay, nhu cầu giao tiếp cao và sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, internet... đã tạo nên những bước đột phá mạnh mẽ của loại hình báo chí phát thanh hiện đại. Sự tham gia của thính giả vào chương trình ngay tại thời điểm phát sóng được coi là một trong những đặc điểm nổi bật tạo nên ưu thế của phát thanh trực tiếp so với phát thanh truyền thống. Nhờ vào tính tương tác cao, thính giả có thể tham gia vào chương trình với nhiều hình thức khác nhau. Thính giả có thể bình luận, trao đổi, nêu yêu cầu trong một chương trình phát thanh trực tiếp và được đáp ứng ngay tại thời điểm chương trình phát sóng. Họ góp phần tạo nên một chương trình hấp dẫn, cuốn hút người nghe. Như vậy, nhờ vào tính tương tác, thính giả không chỉ được lắng nghe, được trả lời mà còn được trực tiếp tham gia vào chương trình.

Nhóm tác giả Đài PT-TH Cần Thơ tác nghiệp tương tác ngay tại hiện trường

Nhà báo Ngọc Diễm, MC chính của chương trình “Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm ở Đồng bằng sông Cửu Long” tại điểm cầu LHPT, chia sẻ: người dẫn chương trình phát thanh ngày nay không chỉ đơn thuần là truyền tải thông tin, mà còn là người trò chuyện với khách mời, tương tác với khán thính giả. Với những đặc thù như vậy, chương trình phát thanh trực tiếp tham gia LHPT của Đài PT-TH Cần Thơ có nhiều chi tiết kết cấu nhỏ, dễ gặp vấn đề về kỹ thuật nên ít nhiều gây lo lắng cho ê-kíp làm chương trình. Tuy nhiên, được sự quan tâm, đầu tư của lãnh đạo Đài PT-TH Cần Thơ và với tinh thần cầu thị, đoàn kết, học hỏi và giao lưu, nhóm tác giả chương trình đang nỗ lực hết mình để tác phẩm “Cần tăng cường bảo vệ nguồn nước ngầm ở Đồng bằng Sông Cửu Long” đạt chất lượng tốt nhất, góp phần vào sự thành công của LHPT lần thứ XIV./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận