Vướng mắc bất động sản đầu tư

Cocobay Đà Nẵng công bố chấm dứt cam kết lợi nhuận 12%/năm trong vòng 8 năm với chủ sở hữu bất động sản nghỉ dưỡng condotel khiến các nhà đầu tư lo lắng

 

Đây không phải là điều quá bất ngờ, bởi từ lâu, một số chuyên gia kinh tế, chuyên gia bất động sản đã từng cảnh báo những rủi ro trong đầu tư loại hình condotel và các loại hình bất động sản kiểu mới như căn hộ văn phòng (officetel), nhà phố kinh doanh (shophouse)… Rủi ro không phải chỉ vì tỉ suất lợi nhuận cao sẽ khó đạt, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản trầm lắng và không có nhiều biến động về giá như những năm gần đây, mà quan trọng nhất là vì cho đến thời điểm này - cuối năm 2019 - vẫn chưa có một hành lang pháp lý chính thức cho các loại hình bất động sản kiểu mới. Các cơ quan quản lý nhà nước vẫn đá bóng sang ngang với lý luận: quản lý loại hình này liên quan đến nhiều bộ ngành, còn nhà đầu tư thì sẵn sàng chấp nhận bấp bênh với hứa hẹn lợi nhuận cao.

Dự án Cocobay

Ở câu chuyện của Cocobay Đà Nẵng, rất khó để nói nhà đầu tư đã thiếu kinh nghiệm khi đầu tư vào dự án này, bởi người đầu tư lớn nhất là ông Mai Huy Tân, doanh nhân đã từng làm chủ doanh nghiệp xúc xích Đức Việt, với số vốn bỏ ra lên tới hơn 600 tỉ đồng. Với những tiêu chí như giữ được giá trị của nguồn vốn, có được nguồn lợi nhuận hằng năm tốt hơn lãi suất mà ngân hàng mang lại, không quá vất vả, con cháu có thể nối nghiệp và cuối cùng là giá trị đầu tư phải được gia tăng trong tương lai, ông Tân hẳn là đã cân nhắc rất kỹ trước khi chọn tổ hợp giải trí Cocobay. Với một nhà đầu tư như vậy, không thể nói họ thiếu kinh nghiệm đầu tư và cũng chưa hẳn đã là đánh vào lòng tham khi mức lãi 12% của Cocobay cao hơn không quá nhiều so với lãi suất ngân hàng khi gửi tiết kiệm (lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 36 tháng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn SCB là 8,6%/năm).

Thị trường vốn luôn biến động khó lường, và đối với những người có vốn nhàn rỗi ở Việt Nam hiện nay thì chưa có một loại hình đầu tư nào hấp dẫn hơn bất động sản với tư duy “chỉ có người đẻ, đất không đẻ”. Bởi vậy, nếu việc xây dựng khung pháp lý chậm trễ, Nhà nước sẽ không quản lý được thị trường bất động sản, từ đó dẫn tới những bất ổn trong hoạt động kinh doanh cũng như thất thu cho ngân sách Nhà nước, nhà đầu tư thiếu thông tin và chủ đầu tư gặp vướng mắc khi những loại hình bất động sản mới ở thế muốn hiểu sao cũng được.

Trở lại câu chuyện của Cocobay, đến ngày 1/12/2019, Công ty Thành Đô đã gửi công văn cam kết sẽ chi trả cho khách hàng tiền thu nhập cam kết cho đến ngày 31/12/2019 theo thỏa thuận trước đây. Sau thời gian này, chủ đầu tư Cocobay Đà Nẵng sẽ gửi đến khách hàng lộ trình thanh toán. Nhưng khung pháp lý càng chậm được ban hành bao nhiêu, việc giải quyết tranh chấp giữa các bên sẽ càng khó khăn bấy nhiêu./.

 

Bình luận

    Chưa có bình luận